Khi những mối bận tâm làm bạn khó ngủ

Giấc ngủ là một phần quan trọng trong đời sống, chăm sóc giấc ngủ là bạn đang chăm sóc cho ⅓ cuộc đời của mình. Vậy mà đời sống hiện đại lại muôn màu muôn vẻ, có quá nhiều điều chúng ta có thể làm và mong muốn làm, thời gian một ngày 24 giờ dường như là không đủ.
Chúng ta giảm thời gian ngủ lại để dành cho các hoạt động khác trong đời sống. Đôi khi việc đó là có chủ đích của bản thân như vui chơi, xem phim, ngồi trò chuyện cùng bạn bè, làm những việc mình yêu thích. Có lúc những áp lực đến từ công việc, học hành, chuyện gia đình bắt buộc ta phải thức để hoàn thành hay những sóng gió của cuộc đời bất ngờ cuốn ta vào lo âu, suy sụp.
Những xáo trộn đời sống đó xảy ra làm rối loạn nhịp độ sinh học bên trong mỗi người, khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ hàng ngày hoặc thậm chí là mất ngủ.
Chăm sóc giấc ngủ là bạn đang chăm sóc cho ⅓ cuộc đời của mình.
Vậy khi mất ngủ hoặc khó đi vào giấc ngủ chúng ta sẽ làm gì?
Đầu tiên là chúng ta không cố ngủ.
Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy nằm xuống mà không cần cố gắng nhắm mắt để ngủ. Thay vào đó, chúng ta nên thả lỏng cơ thể, cảm nhận sự mệt mỏi ấy đến từ đâu, bộ phận nào trên cơ thể mình đang phát ra tín hiệu căng thẳng, khu vực đó kết nối với lo lắng gì trong tâm trí.
Còn khi đầu óc của bạn vẫn tỉnh táo mà cơ thể không có căng thẳng mệt mỏi gì, phải chăng cơ thể đang nạp quá nhiều năng lượng, hormone trong cơ thể bạn đang tăng cao? Đây là lúc bạn cần giải phóng bớt năng lượng còn dư thừa, để thời gian cho nồng độ hormone trong cơ thể giảm bớt. Những vận động nhẹ giúp giải phóng năng lượng hoặc các bài tập thư giãn có thể lấy lại cân bằng hormone trong cơ thể.
Vấn đề tâm lý có ảnh hưởng lớn lên giấc ngủ
Những nỗi lo lắng, bận tâm đang tràn ngập tâm trí bạn. Chúng đang bắt não bạn phải hoạt động liên tục, tiêu tốn năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Cố gắng đi vào giấc ngủ sẽ không thành công, thay vào đó chúng ta nên để cho những lo lắng, bận tâm đó hiển hiện ra bên ngoài tâm trí. Bạn có thể viết những điều đang suy nghĩ ra một cuốn sổ, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những lo lắng, chúng đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Trong dòng chảy những suy nghĩ đó, bạn có thể làm được gì ngay tại lúc này, điều bạn làm có nguy cơ gì không? Hãy thử làm điều mà bạn thấy cần thiết lúc đó.
Những nỗi lo lắng, bận tâm đang tràn ngập tâm trí bạn, bắt não bạn phải hoạt động liên tục.
Tuy nhiên, có những lúc bạn như đang lạc trong không gian trống trải vô tận, tâm trí của bạn không thể suy nghĩ được gì. Bạn cảm thấy trống rỗng. Điều nghịch lý là cảm giác này lại đến từ việc bạn quá tải trong suy nghĩ, tức là có quá nhiều thứ để bạn suy nghĩ cũng một lúc để rồi bạn bị “treo máy”. Thay vì cố gắng thoát ra khỏi cảm giác trống rỗng (có thể tạo nên sợ hãi đó) bạn hãy ở lại trong nó, cảm nhận cả cơ thể mình đang thay đổi như thế nào, điều gì/cảm xúc gì đang dâng lên trong tâm trí. Hãy cứ để cơ thể thả lỏng tự nhiên, không vội phản ứng với những gì xảy ra bên trong cơ thể mình, quan sát bên trong chính bản thân mình - không phải tu tập thiền đạo - mà đây là nội thị những điều đang đè nén trong lòng.
Và có lúc những câu hỏi luẩn quẩn bên trong tâm trí mà bạn không thể tìm ra câu trả lời. Bạn tự đặt câu hỏi cho bản thân: mình là ai trong cuộc đời này, mình sẽ tiếp tục sống như thế nào, điều gì mình có thể làm cho bản thân và cho người khác? Đây là lúc chúng ta chiêm nghiệm lại cuộc đời của mình đã trải qua những gì, điều gì làm nên con người ta lúc này. Thay vì cố gắng né tránh quá khứ, những điều mà bạn cố quên đi hoặc nỗi đau, sự tổn thương về chúng vẫn còn thì đây là lúc bạn đối diện với chúng để vượt qua.
Khi bạn đã làm tất cả những điều đó mà vẫn không thể nghỉ ngơi
Tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn khi tình trạng này kéo dài.
Chúng ta thường kể nhau nghe về việc mất ngủ, khó ngủ với người thân, bạn bè, họ đưa ra những phương pháp dân gian truyền miệng có thể tạo cho ta tâm lý an tâm để đi vào giấc ngủ tuy nhiên chúng thường không được kéo dài. Triệu chứng khó đi vào giấc ngủ quay lại và có thể trở nên trầm trọng hơn, chúng ta sẽ khó có được giấc ngủ ngon, dễ bị thức giấc giữa đêm và khó đi vào giấc ngủ tiếp. Tình trạng này kéo dài làm cơ thể và tâm lý ngày càng kiệt quệ do thiếu sự nghỉ ngơi để hồi phục. Khi đó hiệu quả trong công việc cũng như cảm giác hạnh phúc trong đời sống cá nhân bị suy giảm, chúng ta khó kiểm soát cảm xúc hành vi hơn, những mối quan hệ có thể vì thế mà bị ảnh hưởng.
Đây là lúc bạn cần đến sự trợ giúp từ những người có chuyên môn
Bác sĩ thần kinh có thể giúp bạn kiểm tra sự vận hành não bộ, những gì đang rối loạn trong cơ thể của bạn làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh.
Chuyên viên tâm lý có thể lắng nghe giúp đỡ bạn thấu hiểu lo lắng, đồng hành cùng bạn vượt qua những khó khăn đang đè nặng trong tâm trí, chữa lành những tổn thương vẫn đang “rỉ máu” bao lâu nay.
Tại ECHO MEDI, chúng tôi có đội ngũ bác sĩ và chuyên viên tâm lý kết hợp đồng hành cùng khách hàng để chăm sóc sức khỏe giấc ngủ, chăm sóc cho ⅓ quan trọng của cuộc đời.
📞 Liên hệ hotline: 1900 638 408 - để được tư vấn chi tiết.
ECHO MEDI - Hệ thống y tế toàn diện cho bạn và gia đình.
CVTL. Đỗ Nguyễn Anh Minh