"Shaming stranger" - một hành vi độc hại phổ biến trên mạng xã hội

“Tự do ngôn luận” là một quyền cơ bản của con người, bất kỳ ai cũng đều có quyền lên tiếng chia sẻ suy nghĩ, bình luận về một vấn đề gì đó trong đời sống. Tuy nhiên, ý nghĩa của sự “tự do” đang bị bóp méo một cách nghiêm trọng trên mạng xã hội và trong nhận thức của con người.
“Tự do” không có tính tuyệt đối
Khái niệm về “tự do” cơ bản theo triết học là sự tự quyết định của cá nhân một cách độc lập mà không bị chi phối bởi bối cảnh xung quanh. Dựa trên khái niệm đó, chúng ta có thể hiểu việc đưa ra nhận xét về người lạ trên mạng xã hội là một điều “tự do” và tự quyết của một cá nhân không bị chi phối bởi yếu tố ngoại cảnh khác.
Tuy nhiên thực tế xã hội cho thấy có giới hạn trong sự tự do đó. Nhận thức của con người về bối cảnh xung quanh có giới hạn, một người càng nhận thức rõ bản thân bị thế giới xung quanh chi phối như thế nào thì sẽ càng hiểu sự tự do và ngược lại. Việc chúng ta trao đổi thông tin “ngôn luận” trên mạng xã hội là ví dụ rõ ràng.
Ý nghĩa của sự “tự do” đang bị bóp méo một cách nghiêm trọng trên mạng xã hội và trong nhận thức của con người.
Người dùng mạng xã hội không có nhận thức cao?
Không thật sự như vậy. Vấn đề ở đây là ý thức về việc tiếp nhận, xử lý và phản ứng với thông tin mạng. Chúng ta có thể bắt gặp việc lan truyền thông tin đi kèm với những bình luận tiêu cực về người nào đó một cách dễ dàng trên mạng xã hội mà thiếu đi giai đoạn xác nhận thông tin cũng như quá ít dữ kiện để có thể đưa ra một đánh giá khách quan đối với một người xa lạ mà chưa biết gì về họ.
Bạn tưởng rằng đang thể hiện sự “tự do ngôn luận” trên internet trong khi nhận thức về bối cảnh xuất hiện thông tin đó còn quá mơ hồ. Chúng ta tách bản thân với thực tế khách quan bên ngoài và cho rằng đó là sự tự quyết nhưng không thấy được những chi phối vô hình đang điều hướng suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của ta theo một mục đích nào khác.
Chúng ta bị dẫn dắt và “tấn công mạng” với người lạ
Chính vì sự thiếu thực tế, thiếu thông tin mà đưa ra những nhận xét, kết luận sớm về giá trị, nhân phẩm, đạo đức của người khác, chúng ta vô tình hoặc cố ý hạ thấp người khác trên mạng để thỏa mãn cảm xúc đang dâng trào bên trong. Điều đó tiếp tay cho cá nhân (người cung cấp thông tin) nhằm vào những người có liên quan đến thông tin với mục đích gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần.
Chúng ta vô tình hoặc cố ý hạ thấp người khác trên mạng để thỏa mãn cảm xúc đang dâng trào bên trong.
Ngoài ra, sự hiểu thiếu chính xác về thông tin có thể khiến cho việc truyền thông tin đi trở nên sai lệch. Cách hiểu ban đầu bị thay thế bởi sự suy diễn, lý giải thậm chí là cắt ghép, gán cho một ý nghĩa hoàn toàn khác hoặc tái sử dụng theo nhiều hướng khác nhau. Một thông tin vô hại lại trở thành sự đầu độc gây ảnh hưởng lên tâm lý của nhiều người.
Sự vận hành của “thế giới phẳng” có đang duy trì bạo lực mạng?
Trong thế giới 4.0 này, thông tin là một nguồn lực xây dựng xã hội, mọi người dành rất nhiều thời gian để truy cập mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau. Giá trị của thông tin được quy thành lượt like, share, bình luận; tương tác giữa người với người được xem trọng hơn là ý nghĩa của sự kết nối đó.
“Shaming stranger” là một phương thức tăng tương tác cực kỳ nhanh chóng và hữu hiệu. Khi mạng xã hội cần số lượng “người dùng” lớn để thu hút đầu tư, họ có thể nới lỏng mức độ kiểm soát thông tin lan truyền. Với sự lỏng lẻo này, cá nhân/tổ chức lợi dụng chúng để tạo ra những “tài khoản ảo” (tức là không chứa đựng thông tin của một con người thực sống ở ngoài đời) nhằm mục đích kích thích sự tương tác tấn công lẫn nhau của những con người thật đang sử dụng mạng xã hội. Dù các mạng xã hội lớn đã và đang gia tăng kiểm soát thông tin tuy nhiên với số lượng người dùng (thật và ảo) quá lớn, hiệu quả kiểm soát vẫn chưa đủ.
Vậy chúng ta sẽ làm gì khi bị “shaming” bởi người lạ
Điều đầu tiên là bạn cần phải giữ sự tự tin vào bản thân mình, ý thức về năng lực bản thân giúp bạn phân biệt được những gì mình có thể làm thay vì phản ứng với sự “shaming” trên mạng. Thấu hiểu bản thân còn giúp bạn chỉ ra những điều đúng đắn trong cái người lạ đang công kích mình, từ đó chúng ta được hưởng lợi thay vì bị tổn thương.
Bước tiếp theo chúng ta cần xác định giới hạn của bản thân trước các sự công kích, điều gì chắc chắn sẽ làm bạn tức giận, điều gì bạn nhạy cảm dễ tổn thương, điều gì là giá trị cốt lõi mà người khác không được phép chạm vào. Nếu vượt qua giới hạn đó thì chuyện gì sẽ xảy ra với bạn? Bạn sẽ tấn công ngược lại với người đó, bạn phân tích lý lẽ với họ, hoặc đơn giản là tắt điện thoại, chặn người đó trên mạng…
Ý thức về năng lực bản thân giúp bạn phân biệt được những gì mình có thể làm thay vì phản ứng với sự “shaming” trên mạng.
Gia tăng năng lực phân tích và xử lý thông tin mạng, chúng ta cần xác định nguồn gốc của thông tin, hình ảnh, video clip trên mạng trước khi bình luận hoặc tương tác, chia sẻ. Những gì chúng ta tiếp nhận có đang gây hại cho chính mình hay người khác? Chọn lọc thông tin phù hợp trước khi đưa lên mạng xã hội là cách tự bảo vệ bản thân cũng như tránh được việc bị lợi dụng.
Bạn có thể giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội, gia tăng các hoạt động vận động thể thao để tăng cường sức khỏe thể chất, dành thời gian chăm sóc tinh thần giải phóng các căng thẳng, lo lắng đang đè nặng tâm trí là cách tốt để ứng phó với “shaming stranger”.
Bạn muốn thấu hiểu bản thân, phát triển tâm lý lành mạnh
Tại ECHO MEDI, chúng tôi cung cấp các dịch vụ tâm lý giúp cho cá nhân thấu hiểu bản thân, phát triển sức khỏe tinh thần, gia tăng năng lực ứng phó với những khó khăn trong đời sống; nâng đỡ và hồi phục những tổn thương tâm lý khi bị tấn công qua mạng.
📞 Liên hệ hotline: 1900 638 408 - để được tư vấn chi tiết.
ECHO MEDI - Hệ thống y tế toàn diện cho bạn và gia đình.
CVTL. Đỗ Nguyễn Anh Minh